Được bày bán ở tất cả 63/63 tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Nhưng đáng chú ý là sản phẩm này đã có mặt tại 6 nước gồm Ấn Độ, Ucraina, Đài Loan, Pháp, và đặc biệt là 2 thị trường khó tính, kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt nhất Thế giới là Mỹ và Nhật Bản.

Theo một số địa phương vùng cao ở Bắc Kạn, người dân thường gọi củ nghệ là củ vàng. Một loại cây mọc dại chung quanh nhà và vườn đồi mà chẳng cần chăm sóc gì. Trước đây người dân địa phương chỉ dùng để phục vụ gia đình, nấu ăn hoặc làm màu cho một số loại bánh và món ăn, chứ gần như không có khái niệm trồng củ nghệ với mục đích phát triển kinh tế.

Tuy nhiên từ sau năm 2010 đến nay, củ nghệ đã bắt đầu trở thành hàng hóa khi các doanh nghiệp nhận thấy giá trị rất lớn về thành phần dưỡng chất từ củ nghệ trồng ở Bắc Kạn. Một loạt các doanh nghiệp đã đầu tư vào lĩnh vực chế biến các sản phẩm từ nghệ. Mang lại lợi ích rất lớn cho người nông dân ở nhiều vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa Bắc Kạn.

Người đồng bào vùng cao huyện Pác Nặm đang thu hoạch nghệ.

Một số doanh nghiệp, HTX đã đầu từ vào lĩnh vực này, nhưng thành công nhất phải nói đến cách làm của Công ty CP Nông sản Bắc Kạn. Từ cuối năm 2016, đơn vị này đã thông qua Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn ký cam kết hỗ trợ đầu tư cho nông dân các huyện Ba Bể, Pác Nặm, Bạch Thông, Na Rì và Chợ Mới trồng trên 50ha nghệ. Đến hết 2018, tức chỉ sau 2 năm, mở rộng đầu tư thêm ở các địa bàn huyện Chợ Đồn và Ngân Sơn, diện tích đã tăng lên gần gấp đôi. Công ty hỗ trợ về giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây nghệ cho bà con nông dân.

Nụ cười rạng rỡ người nông dân trồng nghệ.
Thông tin với Báo NNVN, ông Hà Văn Cường – Giám đốc Công ty CP Nông sản Bắc Kạn cho biết thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đã mua với người dân được 2200/2600 tấn củ bao tiêu sản phẩm với người dân. Dự kiến trong tháng 4 sẽ hoàn thành 100% kế hoạch đề ra. Theo ông Cường cho biết, do có sự đầu tư nên năng suất nghệ đạt khoảng hơn 3 tấn/1000m2, với giá thu mua là 5500đ/kg nghệ tươi, nên đã đem lại thu nhập cho nhiều hộ dân mỗi năm lên đến hàng trăm triệu đồng từ trồng nghệ.

Hiện Công ty CP Nông sản Bắc Kạn đã sản xuất ra 13 loại mặt hàng khác nhau từ củ nghệ, sản phẩm Tinh nghệ ở cả bột và dạng viên. Sản phẩm đã được bày bán ở tất cả 63/63 tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Nhưng đáng chú ý là Tinh nghệ Bắc Kạn đã có mặt tại 6 nước gồm Ấn Độ, Ucraina, Đài Loan, Pháp, và đặc biệt là 2 thị trường khó tính, kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt nhất Thế giới là Mỹ và Nhật Bản.

Với hàng loạt giải thưởng như sản phẩm nông nghiệp tiểu biểu toàn quốc; sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực, sản phẩm OCOP 4 sao Băc Kạn. Đáng chú ý nhất chính là sản phẩm của Công ty CP Nông sản Bắc Kạn là đơn vị duy nhất ở Việt Nam sản xuất tỉnh nghệ được cấp giấy chứng nhận sản phẩm Oganic do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cấp. Điều đó đã khẳng định được tên tuổi và chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp này.

Tinh nghệ Bắc Kạn là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường trong nước và trên Thế giới.

Theo như thông tin nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam công nhận, các sản phẩm được sản xuất từ tinh nghệ của Bắc Kạn có nhiều công dụng được tin dùng trong y học, như hỗ trợ điều trị các loại bệnh ung thư, bệnh tim mạch, bổ máu, và nhiều loại bệnh hiểm nghèo khác. Đồng thời cũng được nhiều chị em tin dùng để làm đẹp với nhiều tác dụng chăm sóc da.

Rõ ràng việc đầu tư bài bản từ việc trồng nghệ, cho đến bao tiêu sản phẩm đã giúp cho hàng trăm hộ nông dân ở Bắc Kạn có thu nhập ổn định từ loại cây trước đây chỉ là loại mọc dại, mọc tự nhiên. Các sản phẩm từ củ nghệ Bắc Kạn đang ngày càng khẳng định được chỗ đứng trên thị trường trong nước và ngày càng được mở rộng thêm nhiều nước trên Thế giới. Tuy nhiên để tồn tại và phát triển, sản phẩm Tinh nghệ Bắc Kạn cần phải được duy trì ổn định, an toàn và phải cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm.