NGHỆ HỮU CƠ – HƯỚNG ĐI MỚI CỦA BÀ CON NÔNG DÂN BẮC KẠN

Từ sản xuất phục vụ cho nhu cầu hàng ngày, thì khoảng 2 năm trở lại đây với việc canh tác nghệ theo hướng hữu cơ thì đây đã trở thành 1 loại cây trồng chính mang lại nguồn thu nhập cho bà con nông dân Bắc Kạn.

Một ngày cuối tháng 12/2020, tôi có dịp theo chân anh Hà Văn Cường (Giám đốc Công ty Cổ phần Nông sản Bắc Kạn) và đoàn phóng viên của Báo … Đi thăm vùng nguyên liệu nghệ của công ty ở huyện Pắc Nặm (Cách thành phố Bắc Kạn 70km về hướng Đông Bắc). 7h30’ xuất phát từ văn phòng của công ty ở thành Phố Bắc Kạn, đến 12h chúng tôi mới được tới vùng nguyên liệu của công ty ở xóm Thôm Mèo, xã Xuân La, huyện Pắc Nặm. Trong đó, có 5km đường không thể đi lại bằng ô tô, nên đoàn phải mượn xe máy của bà con để di chuyển đến chân núi, sau đó lại phải đi bộ hơn 2km mới tới được vùng nguyên liệu. Cảm nhận đầu tiên khi đến vùng nguyên liệu trồng nghệ đó là không khí rất trong lành, dễ chịu, nghệ bà con trồng rất đẹp, lá nghệ bắt đầu úa báo hiệu đã đến thời điểm thu hoạch.

Ảnh: Vùng nguyên liệu thôn Thôm Mèo, xã Xuân La, huyện Pắc Nặm chuẩn bị đến ngày thu hoạch.

Người dân nơi đây cho biết, củ nghệ nếp dễ trồng nhưng để cho năng suất cao thì củ nghệ phải được trồng trên các đỉnh đồi, sườn núi đá nơi có lượng mùn dày, giàu chất dinh dưỡng. Được canh tác theo quy trình hữu cơ, được công ty tập huấn. Không sử dụng các loại phân bón có nguồn gốc hóa học, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật; chỉ sử dụng phân hữu cơ vi sinh, làm cỏ hoàn toàn bằng tay …  Do vậy, củ nghệ ở đây vừa an toàn, vừa chất lượng cao có màu đỏ thẫm, không giống như của nghệ lai hay nghệ tẻ ở nhũng vùng khác. Được biết, nghệ ở đây được các nhà học đánh giá có hàm lượng curcumin rất cao đạt 6,8%, trong khi các vùng khác chỉ đạt từ 5%.trở lại.

Ảnh: Người dân thôn Thôm Mèo, xã Xuân La, huyện Pắc Nặm đang thu hoạch nghệ

Hiện nay, Công ty Cổ phần Nông sản Bắc Kạn có trên 150ha nghệ nguyên liệu, được phủ rộng trên khắp các huyện trong tỉnh và 1 số huyện của tỉnh Cao Bằng. Anh Hà Văn Cường cho biết điều kiện khí hậu, cũng như thổ nhưỡng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng củ nghệ. Do vậy, trong quá trình phát trển sản xuất xuyên suốt của công ty, khi phát triển vùng nguyên liệu anh cũng phải tìm kiếm cũng như phân tích, chất đất, khí hậu, nguồn nước… để có được diện tích canh tác loại cây trồng này với chất lượng tốt nhất.

Chị Cà Thị Sen – Tổ trưởng tổ hợp tác thôn Thôm Mèo, xã Xuân La, huyện Pắc Nặm cho biết: “Trong tổ hợp tác của chị có 54 hộ, trước đây chỉ trồng khoảng 5-6ha nghệ, nghệ chỉ trồng tự do không có quy trình và không theo định hướng rõ ràng. Chất lượng củ nghệ không đồng đều, thương lái hay ép giá và thu nhập không ổn định cho nên nhiều người muốn bỏ trồng nghệ. Nhưng đến năm 2018 khi được Công ty CP Nông Sản Bắc Kạn hướng dẫn canh tác và trồng theo phương pháp hữu cơ, thì bà con đã mở rộng diện tích lên hơn 20ha, bình quân sản lượng đạt 25-30 tấn/ha. Chất lượng củ nghệ tăng lên, toàn bộ nghệ trong tổ đã được Công ty Cổ phần Nông sản Bắc Kạn ký hợp đồng bao tiêu với giá ổn định hơn nên bà con rất phấn khởi, cuộc sống của bà con khấm khá lên nhờ cây nghệ rất nhiều. Chị cho biết thêm những năm tới, các hộ thành viên sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng nghệ để nâng cao thu nhập”.

Ảnh: Anh Hà Văn Cường và chị Cà Thị Sen đang kiểm tra nguồn nguyên liệu của nông dân sắp thu hoạch.

Không chỉ riêng gia đình chị Cà Thị Sen và những hộ dân ở Tổ hợp tác Thôm Mèo, Xuân La, huyện Pắc Nặm, mà hiện nay hàng trăm hộ dân trồng nghệ ở các tổ hợp tác thuộc vùng nguyên liệu nghệ của Công ty Cổ phần Nông sản Bắc Kạn đã có nguồn thu nhập ổn định từ trồng nghệ. Bởi tất cả nghệ của họ khi trồng đúng theo quy trình đều được công ty thu mua tận nơi.

Ảnh: Nghệ được thu mua tại vùng nguyên liệu và chở về tại xưởng của Công ty Cổ phần Nông sản Bắc Kạn

Hiện nay, Với ưu thế nổi bật là có nguyên liệu đạt chuẩn hữu cơ do tổ chức Control Union EU và USDA Organic chứng nhận, Công ty Cổ phần Nông sản Bắc Kạn đã sản xuất và đưa ra thị trường các sản phẩm từ nghệ như: Tinh bột nghệ, Viên nghệ mật ong, Viên tinh nghệ cao cấp, Nghệ khô thái lát, tinh dầu nghệ, bột nghệ gia vị… có sức tiêu thụ và được bán rộng rãi trên toàn quốc qua các hệ thống siêu thị, hiệu thuốc và các nhà phân phối trên toàn quốc. Và đặc biệt hơn hiện nay các sản phẩm từ nghệ đã có mặt tại các nước như: Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, Đài Loan… Thời gian gần đây, dòng sản phẩm nông nghiệp nổi bật nhất của tỉnh Bắc Kạn đã được khách hàng trong và ngoài nước tin dùng và gây được tiếng vang trên thị trường chính là “Tinh nghệ Bắc Kạn’’. Tinh Nghệ Bắc Kạn là sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia năm 2019 do Bộ Công Thương trao, sản phẩm vì sức khỏe cộng đồng. Đây cũng chính là sản phẩm đã được xếp hạng OCOP 4 sao năm 2018 của tỉnh Bắc Kạn..

 

Ảnh: Sản phẩm viên curcumin mật ong do Công ty Cp Nông sản Bắc Kạn sản xuất

Một ngày theo chân giám đốc của Công ty Cp Nông sản Bắc Kạn và bà con trồng nghệ hữu cơ ở Bắc Kạn đã làm thay đổi hoàn toàn nhận thức của tôi về cây nghệ, nghệ trong mắt tôi trước đây là vài khóm nghệ trong vườn nhà do mẹ trồng, mỗi khi cần dùng thì chạy ra vườn “moi” 1 vài nhánh đem về dùng để rang thịt gà hoặc để lăn vào vết sẹo. Thì nay tôi thấy được sự vất vả của người nông dân trồng nghệ hữu cơ, với quy trình khắt khe trên những địa hình núi cao, mát nhưng có nắng và đặc biệt là phải cách xa những khoảng đất có sử dụng thuốc BVTV. Và từ những củ nghệ nếp 2 năm tuổi, công ty Công ty Cổ phần Nông sản Bắc Kạn đã cho ra đời hàng loạt sản phấm từ củ nghệ để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Cây nghệ thực sự đã trở thành cây no ấm cho nhiều nông dân Bắc Kạn và trở thành niềm tự hào và là một trong những sản vật nổi bật của tỉnh Bắc Kạn trên thị trường./.