Hiệu quả từ liên kết trồng nghệ

Trồng nghệ là hướng phát triển kinh tế mới của nhiều hộ dân tại tỉnh Bắc Kạn, nhất là khi có mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Thực hiện liên kết, nông dân có đầu ra ổn định, doanh nghiệp có điều kiện để phát triển, tạo ra lượng hàng hóa lớn đáp ứng nhu cầu thị trường.
Sản xuất tinh bột nghệ tại Công ty cổ phần Nông sản Bắc Kạn
Sản xuất tinh bột nghệ tại Công ty cổ phần Nông sản Bắc Kạn

Chúng tôi đến xưởng sản xuất của Công ty cổ phần Nông sản Bắc Kạn vào chính vụ thu mua, sản xuất nghệ. Hàng vài trăm bao nghệ chất từng đống trong khoảng sân rộng chừng 600m2, hệ thống rửa, thái, nghiền và sấy nghệ hoạt động liên tục hết công suất.

Giám đốc Công ty Cổ phần Nông sản Bắc Kạn Hà Văn Cường cho hay: Vào thời điểm này, tại xưởng thường xuyên có 600 – 700 tấn củ nghệ tươi. Mỗi ngày nhà máy sử dụng khoảng 10 tấn củ nghệ nguyên liệu để sản xuất, trong đó 3 tấn làm tinh bột nghệ và 6 – 7 tấn nguyên liệu làm nghệ sấy. Diện tích nhà xưởng hiện nay quá nhỏ, không đủ chỗ chứa nguyên liệu dù dây chuyền sản xuất cũng đang được hoạt động tối đa. Từ đầu vụ đến nay, doanh nghiệp đã mua hơn 2.300 tấn củ, dự kiến đến cuối tháng 4 dương lịch sẽ hoàn thành thu mua nghệ với người dân ở các địa phương trong tỉnh theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm đã ký kết.

Bắt đầu từ năm 2016, Công ty cổ phần Nông sản Bắc Kạn đã hỗ trợ, triển khai trồng hơn 20 ha nghệ tại huyện Bạch Thông. Vụ nghệ năm 2016, vùng nguyên liệu 20 ha cũng cho thu hoạch hằng trăm tấn củ với năng suất trung bình từ 20 – 40 tấn/ha… Như vậy, mỗi ha nghệ người nông dân trừ chi phí cũng có nguồn thu hàng chục đến cả trăm triệu đồng, một con số mơ ước đối với các nông hộ.

Để mở rộng vùng nguyên liệu cho nhà máy, những vụ tiếp theo, thông qua Hội Nông dân tỉnh, doanh nghiệp đã ký cam kết hỗ trợ đầu tư cho nông dân các huyện Ba Bể, Pác Nặm, Bạch Thông, Na Rì và Chợ Mới. Công ty có trách nhiệm hỗ trợ về giống, phân bón, phối hợp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây nghệ; hỗ trợ kinh phí tham gia công tác tuyên truyền đến người dân. Đến nay, vùng nguyên liệu nghệ của Công ty cổ phần Nông sản lên tới 118ha với 1.089 hộ dân tham gia trồng nghệ.

Trồng nghệ hữu cơ (Organic) tại xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông
Trồng nghệ hữu cơ (Organic) tại xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông

Là một trong những hộ dân có diện tích trồng nghệ lớn nhất nhì địa phương với khoảng 2ha, vụ năm nay, anh Nguyễn Văn Luyến tại xã Đôn Phong (Bạch Thông) thu về hàng trăm triệu đồng từ cây nghệ. Anh Luyến chia sẻ: “Nghệ giống, phân bón hữu cơ ban đầu do doanh nghiệp hỗ trợ cung cấp. Liên kết trồng nghệ chúng tôi được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ vật tư nông nghiệp và được cam kết bao tiêu theo hợp đồng với giá thấp nhất từ 5.000 đồng/kg trở lên. Cây nghệ rất dễ trồng, không kén đất, canh tác hữu cơ khá đơn giản lại có đầu ra ổn định nên cho hiệu quả kinh tế cao”.

Vụ 2018, gia đình ông Nông Văn Pao, thôn Nà Thiêm, xã Giáo Hiệu (Pác Nặm) trồng gần 1.000m2 cây nghệ trên đất vườn và soi bãi. Với giá thu mua như hợp đồng với Công ty cổ phần Nông sản Bắc Kạn là 5.000 – 5.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đã lãi ra hàng chục triệu đồng. Vụ tới sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng nghệ để nâng cao thu nhập.

Đất trên núi đá ở các vùng núi cao như Cao Tân, Cổ Linh, Bộc Bố, Xuân La, Nghiên Loan (Pác Nặm) hay xã Đôn Phong, Lục Bình (Bạch Thông), Bằng Vân (Ngân Sơn)… có lượng mùn dày, giàu dinh dưỡng, phù hợp để phát triển cây nghệ sinh thái cho năng suất cao, chất lượng tốt. Sản phẩm từ củ nghệ của Công ty cổ phần Nông sản Bắc Kạn như tinh bột nghệ, nghệ viên mật ong, nghệ sấy… đang được đánh giá cao trên thị trường toàn quốc, đạt nhiều giải thưởng cấp tỉnh và cấp quốc gia. Riêng sản phẩm nghệ sấy theo tiêu chuẩn Organic của doanh nghiệp này đã có mặt tại một số nước trên thế giới, đặc biệt là thị trường khó tính, kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt như Mỹ, Nhật Bản.

Liên kết với doanh nghiệp, các hộ nông được đảm bảo đầu ra cho củ nghệ với giá cả ổn định. Ngược lại, doanh nghiệp cũng đặt ra những yêu cầu khắt khe với nông hộ trong quy trình sản xuất từ trồng, chăm sóc, sử dụng phân bón vi sinh… Ông Hà Văn Cường (Giám đốc Công ty cổ phần Nông sản) cho biết: “Người dân khi tham gia vào các mô hình của chúng tôi phải thực hiện đúng quy định của công ty và các đối tác đặt ra về quy trình sản xuất. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn có một số khó khăn do người dân chưa quen với mô hình liên kết với doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng hiện nay cũng chưa đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu, năm 2019 chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư dây chuyền sấy và mở rộng dòng sản phẩm Organic theo tiêu chuẩn quốc tế”.

Cây nghệ nếp Bắc Kạn có cơ hội rất lớn để phát triển một cách ổn định, bền vững khi có sự tham gia đầu tư liên kết từ các doanh nghiệp. Những kết quả bước đầu từ mô hình liên kết doanh nghiệp – nông dân trong trồng và chế biến nghệ đang được nông dân các địa phương trong tỉnh đón nhận, tạo ra được chuỗi giá trị kinh tế mới. Đây là yếu tố quan trọng thuyết phục người nông dân gắn bó với cây nghệ trong tương lai và cũng là “mỏ vàng” để các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư khai thác hiệu quả./.

http://www.baobackan.org.vn/channel/1121/201904/hieu-qua-tu-lien-ket-trong-nghe-5630164/